
Hiện nay vấn đề ô nhiễm vi nhựa (< 5 mm) đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Một trong những vấn đề đó là giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thủy hải sản. Vì vậy, để đánh giá sự tích lũy vi nhựa trong nghêu (Meretrix lyrata), nghiên cứu này đã khảo sát mật độ vi nhựa trong nghêu và nền môi trường sống của chúng tại 4 bãi nuôi (Tân Thành, Ba Tri, Gành Hào và Ba Động) trong 3 tháng liên tiếp (từ tháng 1 đến tháng 3, 2020). Các mẫu được phân tích bằng phương pháp oxy hóa các hợp chất hữu cơ và dung dịch tuyển nổi vi nhựa. Kết quả nghiên cứu cho thấy vi nhựa xuất hiện ở cả ba loại mẫu (nước, đất, thịt nghêu) (lần lượt là 36,66 ± 11,94 mảnh/ 1 lít nước; 169,34 ± 42,01 mảnh/ 1 kg đất ướt; 13,79 ± 1,06 mảnh/ 10 g thịt nghêu) và có sự khác biệt rõ rệt giữa 4 bãi nuôi trong 3 tháng thu mẫu (p-value < α = 0,05). Trong đó, bãi nuôi nghêu ngoài tự nhiên tại Gành Hào có mật độ vi nhựa thấp nhất so với bãi nuôi nghêu do hộ dân tự nuôi tại Tân Thành, Ba Động và Ba Tri. Tháng 3 là tháng có mật độ vi nhựa thấp nhất so với tháng 1 và tháng 2. Hình dạng nhựa sợi cứng được tìm thấy nhiều nhất (> 50%) so với các dạng nhựa khác. Kết quả cho thấy vi nhựa đã xuất hiện khắp nơi trong môi trường và có sự tích tụ trong thịt nghêu, ảnh hưởng đến đời sống của sinh vật thủy sinh và nguy cơ an toàn thực phẩm.
- Đăng nhập để gửi ý kiến