
Phân tích các yếu tố liên quan đến giảm ham muốn tình dục ở những người bệnh nữ giai đoạn trầm cảm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang 151 người bệnh nữ giai đoạn trầm cảm điều trị nội trú và khám ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 08/2022 đến tháng 05/2023, phân tích hồi quy logistic đa biến để xác định yếu tố liên quan. Kết quả: Tỷ lệ giảm ham muốn tình dục ở người bệnh nữ giai đoạn trầm cảm trong nghiên cứu là 71,5%. Mức độ trầm cảm nặng làm tăng nguy cơ giảm ham muốn tình dục lên 12,486 lần so với nhóm mức độ trầm cảm nhẹ - vừa (p=0,006, 95%CI: 2,062 – 75,618). Người bệnh đã mãn kinh hoặc tiền mãn kinh có khả năng giảm ham muốn tình dục cao hơn 8,263 lần người bệnh chưa mãn kinh (p<0,001, 95%CI: 2,792 – 24,458). Nhóm tuổi trên 40 có nguy cơ giảm ham muốn tình dục cao hơn 2,858 lần nhóm tuổi từ 40 trở xuống (p=0,015, 95%CI:1,228 – 6,651). Ngoài ra, yếu tố stress và thời gian mắc bệnh cũng liên quan đến giảm ham muốn tình dục ở người bệnh nữ giai đoạn trầm cảm có ý nghĩa thống kê với p<0,001. Không có mối liên quan giữa giảm ham muốn tình dục với trình độ học vấn (p=0,622), tình trạng hôn nhân (p=0,193), bệnh cơ thể (p=0,495), số con (p=0,790), triệu chứng loạn thần (p=0,413), ý tưởng, hành vi tự sát (p=0,497), tiền sử dùng thuốc điều trị (p=0,612) hay đối tượng điều trị (p=0,302). Kết luận: Giảm ham muốn tình dục phổ biến ở người bệnh nữ giai đoạn trầm cảm, có liên quan với độ tuổi, tình trạng mãn kinh, yếu tố stress, mức độ trầm cảm và thời gian mắc bệnh.
- Đăng nhập để gửi ý kiến