
Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của thải đai silicon sau phẫu thuật bong võng mạc. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán thải đai silicon sau phẫu thuật bong võng mạc kinh điển có hoặc không phối hợp với phẫu thuật cắt dịch kính tại BV Mắt Trung ương. Kết quả: Trong tổng số 21 bệnh nhân (22 mắt, trong đó có 1 bệnh nhân tháo đai cả 2 mắt) nghiên cứu số mắt có trồi đai là nhiều nhất 10 mắt, chiếm 45,5%, số mắt có đau nhức và nhiễm trùng lần lượt là 6 (27,3%) và 4 (18,2%), trong khi chỉ có 1 mắt có ăn mòn và xâm nhập đai, 1 mắt có nguyên nhân khác (chủ động tháo đai do có 1 mắt trước đã bị ăn mòn và xâm nhập đai), 0 mắt nào có dấu hiệu thiếu máu bán phần trước. Về thời gian tháo đai sau phẫu thuật: nhóm tháo đai sớm (dưới 8 tuần) chỉ có 1 mắt (5%) và nhóm tháo đai muộn (trên 8 tuần) là 21 mắt (95%), thời gian tháo đai trải dài từ 7 tuần – 20 năm sau phẫu thuật đặt đai. Tình trạng đai silicon trong phẫu thuật: có 17 đai không thấm máu, (77,3%), số đai thấm máu là 5 (22,7%). Trong quá trình tháo đai, có 2 mắt xảy ra tình trạng bong võng mạc tái phát (chiếm 9,1%). Kết luận: Trồi đai là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng thải đai silicon sau phẫu thuật bong võng mạc. Do đó, việc thăm khám theo dõi thường xuyên và phát hiện sớm các dấu hiệu của thải đai là vô cùng quan trọng trong việc giảm tỉ lệ biến chứng nặng mà vẫn giữ được chức năng giải phẫu của võng mạc.
- Đăng nhập để gửi ý kiến